Cuộc sống ở Đức – Những điều chưa
01/04/2323
Cuộc sống ở Đức, học tập và làm việc như thế nào, con người ở Đức ra sao, họ có thật sự lạnh lùng khó gần như bạn vẫn biết hay không. Dưới đây là một bài viết của một bạn gái đã từng có thời gian sống là làm việc rất lâu tại Đức. Đây không chỉ là những thông tin chia sẻ mà còn phần nào rất hữu ích cho các bạn sinh viên sắp sang Đức du học.
“Tôi viết những dòng chữ này trong một chiều tháng 6 từ một nơi rất xa mà không phải trên bầu trời nước Đức. Những ngày ở Mỹ, tôi hay được hỏi về cuộc sống ở Đức như thế nào. Ngỡ là với mười mấy năm “ngược xuôi” ở Đức tôi có thể trả lời vanh vách, ấy thế mà có những câu hỏi của bạn bè khiến tôi chững lại đôi ba phút. Một vài lần như thế khiến tôi chợt nhận ra: Hóa ra những hiểu biết về nước Đức của tôi vẫn còn quá ít ỏi so với ngần ấy năm sống và học tập ở nơi này. Nhưng nhờ những câu hỏi đôi khi chỉ là vu vơ đó của mọi người mà tôi mới có dịp tìm hiểu thêm để biết nhiều hơn về nơi chốn này và tự nhiên thấy vui vui.
✅Ở Đức tốc độ chạy ở đường cao tốc mà sở giao thông khuyên mọi người đi là 130 km/h. Ở Đức không có giới hạn tốc độ (ngoại trừ bang Bremen có giới hạn tốc độ chạy là 120 km/h từ năm 2008 và những đoạn có đề biển báo) thì bạn có thể tự điều chỉnh tốc độ của mình. Tốc độ cao nhất cho xe tải và bus chỉ là 80km/h và xe tải cũng không được sử dụng đường cao tốc vào cuối tuần và những ngày lễ. Trừ khi được cấp phép đặc biệt. Trên đường cao tốc với 3 phân giải, khi đi ở giữa bạn phải đi với tốc độ chậm nhất là 60km/h, bên trái thì chậm nhất là 100km/h để tránh tai nạn xảy ra. Vì đó là phân giải dành để vượt.
✅Nhiều người Việt Nam ở các nước khác hay hỏi về số lượng người Việt sống ở Đức là bao nhiêu và thành phố nào đông người Việt nhất, tôi xin trả lời như sau: Có khoảng hơn 100.000 người Việt sống ở Đức và Berlin là thành phố đông người Việt nhất với khoảng chừng 20.000 người. Người Đức hay ví Berlin như một “Mini Hà Nội” với một khu chợ nổi tiếng rất đáng để đi: Đồng Xuân.
✅Ở Đức phải bắt buộc đóng bảo hiểm y tế, sinh viên thì đóng chừng 77 Euro/tháng. Khi bạn học đến kì thứ 14 hoặc quá ba mươi tuổi, bạn không còn được hưởng chế độ bảo hiểm sinh viên nữa mà phải đóng bảo hiểm thường. Bạn nào lập gia đình có thể theo dạng bảo hiểm gia đình, tức là ăn theo chồng con và không phải đóng bảo hiểm, nhưng chỉ được phép đi làm theo kiểu Mini job, tức là dưới 400 Euro/tháng, vượt qua con số này thì bạn phải đóng bảo hiểm. Khi đi khám bệnh, nếu bác sĩ kê đơn thuốc thì bạn có thể ra nhà thuốc để lấy, có một số thuốc được miễn phí, những loại còn lại bạn phải trả 10% tiền thuốc, nhưng cao nhất là 10 Euro và thấp nhất là 5 Euro cho mỗi loại thuốc.
✅Khi tôi kể là học đại học ở Đức không phải đóng tiền học phí, mọi người ở Mỹ ồ lên ngạc nhiên và bảo sướng. Đúng là ở Đức, phần lớn các bang đều đã miễn học phí, kể cả sinh viên nước ngoài. Họ chỉ phải đóng một số tiền nhỏ dành cho việc đi lại, tiền quản lý hành chính, tùy theo mỗi trường mà giá đóng cũng khác nhau, nhưng nói chung là không nhiều. Theo tờ studis online thì chi phí ăn ở theo tiêu chuẩn một sinh viên ở Đức dao động khoảng 570 – 1100 Euro/ tháng. Dĩ nhiên các bạn Châu Á nếu sống tiết kiệm thì có khi còn nằm ở dưới con số đó.
✅Ở Mỹ mọi người hay hỏi tôi về tính cách người Đức. Họ bảo nghe nói là người Đức lạnh lùng lắm. Thực ra thì ở đâu cũng có người này người kia, khó có một kết luận chung về tính cách người Đức được. Nhưng sống trong gia đình người Đức hơn mười năm và đi học, đi làm với bạn bè Đức thì mình thấy người Đức chỉ lạnh lùng ở cái vẻ bề ngoài khi họ chưa quen bạn thôi, nhưng khi tiếp xúc nhiều thì mình thấy họ cũng dễ gần, thân thiện, tốt bụng, sống có kỉ luật. Họ mà đã quý ai thì quý rất thật lòng.
✅Tiếng Đức không dễ học nhưng nếu kiên trì thì vẫn theo được. Những ngày đầu học tiếng Đức tôi cũng thấy vô cùng vất vả nên toàn học từ tranh ảnh để nhớ từ cho dễ. Tôi không được đào tạo bài bản như các bạn học tiếng Đức ở Việt Nam nên khi sang bên này tự nhiên phải đi học, tôi như “con nai vàng ngơ ngác” và dần dần học theo các bạn ấy. Đến bây giờ tiếng Đức của tôi vẫn chưa hoàn hảo đâu, chỉ đủ để…cãi cùn thôi nhưng tôi tạm hài lòng với nó. Sống ở Đức thì nên biết tiếng Đức, sẽ có lợi rất nhiều thứ. Cho dù người Đức chịu khó nói tiếng Anh hơn người Pháp, người Ý và nếu chỉ biết tiếng Anh không, bạn vẫn có thể sống tốt ở Đức, nhưng đôi lúc bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu vì lạc lõng (đây là lời kể của những người bạn mình đã hoặc đang theo học chương trình bằng tiếng Anh ở Đức). Tiếng Đức không phải là thứ ngôn ngữ được ưa chuộng, nhưng bạn có biết, ngoài Đức ra thì Áo, Thụy Sỹ và Lichtenstein cũng là những quốc gia nói tiếng Đức?
✅Văn hóa Đọc ở Đức rất được coi trọng, ở các thành phố lớn đều có các tủ sách đặt ở trung tâm cho mọi người tới lấy đọc, thậm chí trên xe buýt cũng có một kệ đựng sách. Hàng năm vào tháng 10 ở Đức có tổ chức hội chợ sách lớn nhất thế giới và nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy ở các nhà ga, phi trường hay trên tàu, hầu hết mọi người đều giết thời gian bằng việc đọc sách.
✅Đức là nước đóng thuế cao. Thường bạn sẽ trả 19% tiền thuế cho mọi mặt hàng (trừ khách sạn, nếu bạn ngủ qua đêm thì tiền thuế chỉ 7% nhưng tiền ăn sáng ở khách sạn thì lại tính thuế như bình thường). Trung bình, một người trẻ độc thân, không con cái thì tiền lương sau khi trừ các loại thuế, bảo hiểm thì chỉ còn dư chừng 50-60% lương cầm tay. Theo bảng tính ở trang lohnspiegel.de thì một người đi làm có thu nhập 5000 Euro/ tháng, sau khi đóng các loại thuế và bảo hiểm bắt buộc thì số tiền họ được nhận cuối cùng chỉ là 2897 Euro.
✅Đức được mệnh danh là một trong những nhà vô địch thế giới trong khoản đi du lịch. Theo tờ Focus Online năm 2012, dù nền kinh tế có phần đi xuống nhưng điều đó không ngăn cản được thói quen đi du lịch của người Đức. Đồng hành với Đức còn có Trung Quốc và Mỹ. 64 tỉ Euro là số tiền mà dân Đức đã chi cho ngành du lịch, trong đó chừng 20 tỉ Euro được rơi vào các nước như Ý, Áo và Tây Ban Nha. Người Đức rất trung thành với các nước này trong ngành du lịch
✅Tính đúng giờ của người Đức thì khỏi phải bàn nhưng người Đức cũng cực kì tiết kiệm. Những gì có thể tiết kiệm được là họ tiết kiệm đến mức tối đa. Không xả nước nhiều, không để điện hay để chế độ stand by. Đi ăn uống thì không đặt quá nhiều món, thiếu thì đặt thêm chứ không để thừa. Ngoài ra ở Đức, nếu bạn mua nước hay các loại đồ uống, bạn sẽ phải trả tiền vỏ chai nữa. Khi uống xong, bạn có thể đem vỏ chai đi trả để lấy lại tiền, nếu bạn vứt, sẽ có người khác đi nhặt và gom lại đổi lấy tiền.”
Các bài viết tương tự khác
- Cuộc sống du học sinh… Có thực sự luôn màu hồng!?
- 5 Sai lầm thường gặp khi lựa chọn trung tâm tư vấn du học Đức
- Tìm hiểu sự khác nhau giữa nghề đầu bếp và nhà hàng khách
- Nước Đức và những điều có thể bạn chưa biết
- Cuộc sống du học sinh tại Đức và những điều cần
- Du lịch và văn hóa ở Đức có gì hấp dẫn
- Chợ Đồng Xuân Berlin – Một “Việt Nam” thu nhỏ giữa lòng nước
- Kinh nghiệm ôn thi B1 tiếng Đức hiệu quả
- Điều kiện du học nghề tại Đức
- Vì sao nên chọn du học nghề tại CHLB Đức